Ngày nào già Hoa cũng đi với thằng Lâu ra ruộng. Hạt giống ủ vừa nhú mầm, ra rễ, đem gieo thẳng xuống mặt ruộng, chỉ hai ngày sau mầm xanh đã lên cao, run rảy trước những cơn gió lạnh. Đề phòng nước nguồn trên núi chảy về ngập lúa, thằng Lâu mở hai cái phai ở bờ dưới, cho nước rút cạn, chỉ còn xăm xắp chân cây lúa.


 

Bài dự thi “Lúa gạo Việt - Nguồn cội và tương lai”

 NHỊP CHÀM ĐUỐNG       

Truyện ngắn của PHÙNG PHƯƠNG QUÝ (Phú Thọ)


Đêm tĩnh lặng. Núi rừng cũng nằm oải mình vì tiết trời oi nồng. Bọn chim thú chắc cũng mệt đừ, chẳng thấy kêu, hót gì. Già Hoa lăn ra khỏi chiếu, nằm xuống sàn tre tìm một tí mát mẻ. Nằm trên nhà sàn cao mà nóng thế này, nhà xây gạch của thằng con cả bên dưới còn nóng đến đâu? Mồ hôi đổ ướt lưng trần, hầm hập. Trời hầm thế này, mưa tới nơi rồi. Ông vừa trở mình nằm nghiêng, một tiếng sấm như trống rền qua mái nhà. Chỉ một phút sau, những hạt mưa đầu tiên đã sầm sập chạy trên mái cọ. Sướng quá! Mát quá! Già Hoa giơ cả hai bàn tay đón những hạt bụi nước li ti bắn vào tận chỗ nằm. Giấc ngủ vội chìm đi trong nụ cười. Nhịp chày đâm đuống ở đâu vọng vào trí não, như ru ngủ. “Kệch! Kinh! kinh! Chát!”. “Kệch ! Kinh! kinh! Chát!”. Già Hoa mơ thấy mình đững giữa sân nhà văn hóa bản, tay cầm hai thanh tre nhỏ gõ nhịp cho đám thanh niên bản. Bốn nam, bốn nữ, cả tám đứa đều cao bằng nhau, xinh đẹp, trẻ trung như tiên trên mường trời. Chiếc đuống được khiêng ra đặt giữa sân, nhìn như chiếc thuyền độc mộc nhỏ.  Chiếc máng giã gạo này, có từ thời ông nội già Hoa, nghe nói được đục từ thân một cây gỗ vàng tâm lớn. Thời trước thì để phụ nữ bản đâm thóc, lấy gạo. Bây giờ chỉ dùng để phục vụ lễ hội đâm đuống của dân Mường bản Gió. Chiếc đuống mới được dùng trong lễ giỗ Tổ Hùng vương, nay già Hoa cho mang ra, chuẩn bị cho lễ hội mùa. Năm nay dân bản Gió được mùa to, phải cúng mường trời thôi.

-Con Mai! Đừng chụm chân lại thế! Đứng chân trước, chân sau. Rướn người mà đâm xuống! Thằng Sơn, con Liên đừng liếc nhau nhiều, nhớ gõ hai đầu chày vào nhau cho đều.

Già Hoa to tiếng nhắc nhở. Những thân hình trai gái bản ta thật đẹp, vừa mạnh mẽ, thon thả. Chúng rướn lên, ngả người về sau rồi lấy thế lao chày xuống một tiếng kệch, chày nhấc lên gõ vào thành đuống hai tiếng kinh kinh, đầu chày đập ngang vào đầu chày người đối diện kêumột tiếng Chát! .“Kệch! Kinh! kinh! Chát!” Âm thanh nhịp ba hòa vào nhau rộn rã cùng tiếng chiêng đồng trầm vang. Tiếng đuống kêu to, vọng dội vào vách núi sau bản, báo hiệu nhiều niềm vui, may mắn. Năm nay bản ta cấy thử thành công giống lúa mới. Ấm no rồi!

Mùa hè năm ngoái, Hà Văn Lâu đi học trung cấp nông ngiệp ngoài tỉnh về, có đem theo một túi thóc giống. Nó tới nhà gặp già bản, miệng cười tươi.

-Già bản à! Có loại lúa giống mới hợp với vùng cao mình, cháu đem về xin già bản cho cấy thử!

Già Hoa xì cái nõ điếu cày, thở khói ra mù mịt:

-Dân bản từ lâu quen với giống “mộc tuyền” rồi. Vừa dễ chăm, vừa ngon cơm. Đừng mang giống khác về nữa, lỡ mất mùa, dân bản đói, khổ lắm!

Hà Văn Lâu phải nói tới sùi bọt mép, rằng giống LC26 này rất hợp với đất Mường. Nó chịu hạn, chịu rét tốt, khả năng kháng bệnh cao, lại cho năng suất sáu, bảy tấn một héc ta đấy. Tốt đủ đường mà! Già bản đồng ý nhé?

-Thằng cháu cứ làm thử đi! Nếu được, ta cũng đồng ý thôi!

Hà văn Lâu hớn hở xách túi lúa giống về, hì hục làm thử. Cậu cày bừa kĩ hai sào ruộng cạnh nhà, bắc máng nước nguồn về làm đất phẳng phiu, rồi cẩn thận ngâm giống theo kỹ thuật “ba sôi, hai lạnh”. Mạ ủ lên mầm đều, xanh mơn mởn.

Già Hoa ngồi bên bếp lửa giữa sàn nhà, hút thuốc lào liên tục. Khói thuốc say đậm bay la đà qua mái cọ, ra ngoài. Hừm! Cái thằng Lâu này gan cũng to, xứng giai họ Hà. Không biết nó làm gì với túi thóc giống mới ấy? Ta cũng sốt ruột như nó. Phải ra ruộng xem thế nào. Nó cũng làm việc có ích, biết lo cho dân bản mà. Già khoác thêm chiếc áo đại cán, bước ra cửa, chỉ năm bước chân đã xuống hết chín bậc cầu thang.

Trời lạnh giá, mà thằng Lâu mặc độc chiếc áo bảo hộ lao động, quần đùi cộc cỡn, hở ra cặp chân trắng bê bết bùn. Nó đang trang mặt phẳng ruộng. Thằng này khôn! Nó không đẩy trang bằng tay, vừa lâu vừa mệt, mà bắt trâu vào bừa, hàng răng bừa cám lên thân cây chuối nhỏ, trâu kéo bừa tới đâu, cây chuối san phẳng bùn tới đấy. Già Hoa đứng trên bờ, vẫy nó dừng trâu.

-Sao bừa lắm thế? Vun cao một luống to mà gieo mạ, mai kia sẵn cấy!

-Ồ! Cháu không gieo mạ đâu! Làm ruộng phẳng, rồi gieo thẳng luôn, đảm bảo hơn già ạ!

-Ừ! Chúng mày còn trẻ! Ra ngoài học được nhiều cái mới, nhưng những cách làm cũ bao đời nay vẫn tốt mà!

Một tốp đàn ông trung niên đi qua, cũng tò mò đứng sau lưng gìa bản, xem thằng Lâu làm ruộng. Có vài người lắc đầu vẻ không tin. Thằng Lâu vung roi xua trâu đi tiếp, mắt vui vẻ nhìn mọi người, nụ cười vương mấy vệt bùn:

-Bà con yên tâm! Cháu sẽ gây thêm giống lúa này! Mùa sau cả bản ta cùng cấy lúa mới!

Ngày nào già Hoa cũng đi với thằng Lâu ra ruộng. Hạt giống ủ vừa nhú mầm, ra rễ, đem gieo thẳng xuống mặt ruộng, chỉ hai ngày sau mầm xanh đã lên cao, run rảy trước những cơn gió lạnh. Đề phòng nước nguồn trên núi chảy về ngập lúa, thằng Lâu mở hai cái phai ở bờ dưới, cho nước rút cạn, chỉ còn xăm xắp chân cây lúa. Già đến tận bờ ruộng, giơ tay vuốt ve những ngọn lúa non đang uốn mình trong gió bấc. Giống lúa mới có vẻ cứng thân hơn, chịu được gió lớn, chứ cái giống mộc tuyền, gió thổi mạnh một tí là ngã gục.

Chiều xẩm tối, cả bản bỗng náo loạn vì tiếng chân trâu, bò chạy rầm rập. Tiếng nghé ọ, ò ò vang khắp nơi. Lũ trâu bò thả rông trong rừng, bỗng kéo hết về bản, nằm la liệt trên đường, trong bãi cỏ. Trâu bò của nhà ai thì nằm trong vườn hoặc lối đi nhà nấy. Vậy là sắp có mưa rừng rồi. Đêm nay sẽ mưa. Lũ trâu bò khôn lắm, chúng linh tính thấy rừng sắp có mưa nên kéo hết về bản. Già Hoa lo lắng nhìn trời, cảm thấy bất an khi góc trời phía núi Quạ mây đen tối sầm. Gió thổi, mang hơi nước lạnh buốt từ đám mây khổng lồ, cuồn cuộn. Đêm vọng về tiếng mưa rừng ào ạt.Già Hoa trăn trở không ngủ được. Mưa rừng to lắm. Cầu cho mưa đừng theo lũ trâu, bò về bản. Đám ruộng của thằng Lâu, lúa còn non lắm, mưa sập trời xuống bây giờ là nát hết. Vì thế, trời vừa tỏ là già vục dậy, lấy cái cuốc đi ra ngoài ruộng. Ôi thôi! Cả một đám ruộng ngập trắng, nước chảy cuồn cuộn. Thằng Lâu chống cuốc đứng đằng xa, buồn rầu nhìn dòng nước chảy xiết. Nước trên rừng đổ về nhiều quá, nhấn chìm hai sào lúa mới. Già Hoa chụm tay lên miệng hú một tiếng, vẫy tay ra hiệu thằng Lâu tới. Nó loạng choạng lội nước, đi về phía già Hoa, hai mắt đỏ hoe.  Thương thằng Lâu quá, nhưng mường trời quyền năng còn cao hơn. Già vỗ vỗ lên vai áo ướt nước mưa của nó:

-Để tao gọi lũ thanh niên ra hót bồi cho!

Thằng Lâu mím chặt môi, quệt nước mắt:

-Nhờ già bản giúp đỡ! Cháu đi mua giống nữa! Cháu phải làm bằng được!

Cả chi đoàn thanh niên gần hai chục người, cả mấy anh trung niên cùng ra ruộng giúp thằng Lâu. Già Hoa trực tiếp chỉ huy cuộc hót bồi. Cát, sỏi lẫn những cục đá lổn nhổn, to thì bằng chiếc nón, nhỏ thì bằng bát ăn cơm. Nhóm trung niên dùng cuốc xẻng, đám thanh niên nam nữ dùng sọt khiêng đất bồi lên đổ thành bờ phía trên ruộng. Thằng Lâu cùng với mấy đứa bạn, hì hục đào một mương dẫn nước, chắn ngay dưới chân núi. 

-Lâu ơi! Cấy xong vụ chiêm, có lúa mới thì cưới vợ đi nhé! Để lúc làm việc nhà, việc đồng có người làm đỡ chứ!

Nghe lũ con gái trêu chọc, thằng Lâu hếch mặt cười như con nghé:

-Để mình chọn xem trong đám các em có ai hợp không đã!

Lũ con gái giơ tay, miệng nhao nhao như chim chào mào.

-Em đây này Lâu!

-Tao thích mày rồi đấy Lâu ạ!

-Lâu ơi! Hồi học lớp Ba, bạn hứa lớn lên sẽ sang ở rể nhà tớ mà?

Tiếng cười rung rinh sườn núi hẹp. Bà mế thằng Lâu gánh ra một gánh cơm nếp và thịt gà nướng. Đám thanh niên reo hò, còn hỏi:

-Sao không có chai nào thế mế Lâu?

- Có! Nhưng chiều về nhà uống thoải mái! Uống rượu bây giờ không tốt đâu!

Hai sào ruộng được san phẳng lì. Hôm nào có giống mới, thằng Lâu chỉ chang lại một tí là gieo mạ được. Mấy đứa con gái bàn với thằng Lâu nên gieo mạ, rồi để chúng nó cấy cho ăn chắc. Thời tiết, thổ nhưỡng ở đây thất thường, đừng gieo sạ nữa. Vừa bị thiên tai phá hoại, thằng Lâu chùn lòng, nghe theo lũ con gái.

-Chúng mày cấy hộ anh nhé! Nếu được mùa, anh xin mế cưới hết cả mấy đứa luôn!

Lũ con gái cười há há há.

-Cưới cả lũ về! Có ngày chúng nó xé xác anh Lâu ra đấy!

-Anh chả sợ! Mỗi đứa đẻ cho anh một đứa con là hết cãi nhau!

Già Hoa nghe được, bĩu môi:

-Thanh niên thời nay mà còn định phá luật hôn nhân gia đình! Thằng Lâu mày liều thật đấy!

Thằng Lâu chạy ngược, chạy xuôi, phải nhờ người quen mãi trên Lào Cai mới mua lại được mấy cân thóc giống LC 26. Lần này nó làm đất gieo mạ, chẻ tre làm vòm, mua ni lon về che để chống sương muối cho mạ. Mạ vừa nhú bằng đốt ngón tay, lũ con gái mang ra ruộng hai gánh tro bếp, rắc lên giữ ấm. Cây mạ lên cao nửa gang tay, lũ con gái đòi cấy. Thằng Lâu nói chưa đủ tuổi. Giống lúa mới này cho năng suất cao, nhưng sinh trưởng dài ngày, phải gần năm tháng mới cho thu hoạch.

-Không vội được đâu! Để cho mà đủ ngày đã! Các em cứ vào rừng tìm lá dong về chuẩn bị Tết đi là vừa!

Sát ngày hai ba tháng Chạp, buổi cấy mới bắt đầu. Lũ con gái bảo nhau tranh thủ cấy sớm, còn về cúng ông công, ông táo. Đã lâu lắm, từ thời còn Hợp tác xã nông nghiệp, bản Gió mới có buổi cấy tập thể đông vui như thế. Thằng Lâu và đám con trai dùng liềm xén chân mạ, thành từng mảng, rồi đem rải khắp mặt ruộng. Lũ con gái tách từng thân mạ, nhanh nhẹn cắm xuống bùn, trên mỗi gốc mạ, in hằn dấu ba ngón tay chụm lại như dấu chân con sóc, nhìn rất vui mắt. Những dấu chân sóc chạy ngang, chạy dọc một hồi, mấy bà trung niên thấy vậy, cũng xắn quần lội xuống cùng cấy.  Già Hoa đứng nhìn quang cảnh nhộn nhịp ấy, gật gù đắc ý. Việc làm kia, cũng là cái ý, cái tâm của dân bản muốn cuộc sống thay đổi, tin vào cái mới. Chỉ cần thằng Lâu thành công, là bản Gió có một cuộc đổi đời.

Cả bản, ai cũng theo dõi thửa ruộng của thằng Lâu. Mỗi ngày ra đồng,lên nương, họ thường dừng lại bên bờ ruộng, ngắm nhìn màu xanh của lúa. Lạ thật! Giống lúa mới này, đến màu lá cũng khác, nó xanh thẫm chứ không xanh màu lá mạ như các giống cũ. Người trẻ thì vui mừng, háo hức. Người già thì lo lắng âm thầm. Ai cũng mong cho thằng Lâu cấy lúa thành công. Già Hoa bỏ cả việc nhà, quanh quẩn ngoài đám ruộng. Cái cuốc trong tay ông đắp chỗ này, tháo chỗ kia,  giữ đủ nước cho lúa. Một buổi chiều, vừa ra đến đầu ruộng, già Hoa hốt hoảng phát hiện ra đám rầy nâu phủ trắng trên lá lúa, liền vội vàng chạy về tìm thằng Lâu. Mế nó bảo, thằng Lâu đi mua phân về bón thúc.

-Mế thằng Lâu nói với nó là lúa bị bọ rầy rồi, lo mà phun thuốc đi, còn kịp.

Thằng Lâu vừa dừng xe trong sân, nghe mế nói thế liền quay xe, nổ máy đi ngay. Nó ra tới ruộng, ngó nghiêng như con chim chích tìm sâu trên cành chanh, lắc đầu cười, phóng xe vào nhà già bản. Thấy ông già đang ngồi ăn bánh sắn, nó vừa hỏi, vừa bốc một nắm.

-Cho cháu ăn với! Đói quá!

-Mày mua thuốc phun rầy nâu chưa? Để chậm ba ngày nữa là cháy khô đám ruộng đấy!

-Không phải rầy nâu! Là tro bếp hôm qua cháu rải chống rét thôi mà!

Thấm thoắt đã gần nửa năm. Những thửa ruộng trong bản đã cắt lúa xong, chuẩn bị trồng vụ ngô mới. Lúc ấy đám ruộng của Hà Lâu mới vào chắc hạt. Những bông lúa dài hơn một gang tay, trĩu hạt vàng. Chỉ cần nhìn những bông lúa kia, già bản biết chắc sẽ năng suất cao hơn giống lúa cũ. Già định khi cắt lúa xong, sẽ bảo thằng Lâu chọn vài tạ giống, còn đâu đem giã thành gạo. Bây giờ máy xát lúa có sẵn, không phải xay giã bằng cối chày nữa, nhưng già muốn tổ chức cho đám phụ nữ bản giã lúa bằng đâm đuống. Mình đâm đuống, vừa làm lễ mùa, vừa để tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà trên mường trời. Gạo giã xong, sàng sảy cho sạch, mổ lợn, nấu cơm cúng mường, rồi cả bản ăn liên hoan một bữa.

Già bản nhắc thanh niên bản, đi gặt lúa giúp thằng Lâu cho đông. Tối về, tập trung tại nhà văn hóa tập đâm đuống cho đều, gõ chiêng cho vang. Mừng bản Gió được mùa lúa mới.