Một triệu hecta lúa - triệu hành vi tử tế gieo xuống từ một niềm tin nhỏ bé.
LTS: Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan trước đây là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ NN và MT) là người cả đời tâm huyết với nông nghiệp, đặc biệt góc nhìn "thấu hiểu và gần gũi" nông dân rất riêng của ông.
Vì vậy, ông biểu hiện lòng tin vào những thay đổi từ "một niềm tin nhỏ" bắt đầu hôm nay nhưng khi được kết nối và lan tỏa sẽ trở thành điều kỳ diệu ngày mai.
VIETRISA trân trọng giới thiệu bài viết của ông.
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan. |
Chỉ cần một người bắt đầu…
Hôm ấy, trời xế chiều, tôi đứng bên bờ
ruộng ở xã Mỹ
Đông, nhìn cánh đồng lúa đang trổ đòng. Không còn tiếng động cơ gầm rú xịt thuốc,
không mùi
hắc của hoá chất,
chỉ có gió rì rào thổi qua đồng và tiếng nước róc rách trong mương.
Một Giám đốc HTX đã ba vụ liền canh tác
theo mô hình giảm phát thải, vừa dừng xe máy cày, rót cho tôi ly trà mát, rồi nói:
“Trước tui làm vậy là để sống. Giờ làm vậy là để sống khoẻ”. Không tài liệu nào viết được điều ấy.
Không bản đồ số nào đo được sự nhẹ lòng. Nhưng những câu nói như vậy chính là hạt
giống cho hành vi bền vững bắt đầu nảy mầm.
Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải là một hướng
đi lớn, nhiều kỳ vọng. Nhưng điều đáng quý hơn cả là nó không bắt đầu từ văn phòng,
mà từ ruộng đồng. Từ những hộ dân tiên phong chấp nhận thay đổi thói quen: giảm phân, không đốt rơm, ghi nhật ký đồng
ruộng, tham gia tổ nhóm bán lúa sạch.
Và bắt đầu hành trình thay đổi…, nhưng
phía trước là mở rộng quy mô
Ban đầu là hoài
nghi. Nhưng rồi, niềm tin bắt đầu lan, không phải bằng diễn đàn, mà bằng ánh mắt
thán phục của bà con trong xóm khi thấy “ổng dám làm khác, mà lúa vẫn tốt”. Tuy
vậy, khi mô hình được nhân rộng, rủi ro cũng theo đó mà lan. Người nông dân vẫn mang trong mình tâm
lý “làm khác xóm thì thấy… kỳ kỳ”, “lỡ xịt ít thuốc mà
sâu bệnh thì ai đền?”, “thương lái có chịu mua không?”. Tâm lý học hành vi gọi đó là phản xạ của vùng an toàn, nơi cái cũ tuy không hoàn
hảo, nhưng đủ quen để ít lo.
Những nổi lo còn đó…
Thương lái vẫn
mua trộn lúa sạch với lúa thường, phá vỡ công sức những người đi trước. Doanh nghiệp tiêu thụ thì nhiều
nơi ký hợp đồng đầu vụ, nhưng đến lúc thu hoạch do khó khăn đầu ra nên huỷ kèo,
hoặc mua giá thấp hơn hợp đồng. Một số doanh nghiệp không muốn liên kết lâu dài
với hợp tác xã, vì cho rằng làm việc trực tiếp với nông dân “nhanh, gọn, dễ mặc cả hơn”.
Nhiều doanh nghiệp vẫn theo tư duy “mùa vụ”, chỉ muốn “mua đứt, bán đoạn”. Ngay
cả hợp tác xã, nơi được kỳ vọng là trung tâm của liên kết, cũng
không ít nơi còn lúng túng, thiếu người có kinh nghiệm,
thiếu sự minh bạch nội bộ. Một khi không chia lợi ích rõ ràng, niềm tin dễ bị
đứt gãy ngay từ bên trong.
Bên cạnh đó là rủi
ro từ các doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp không đồng hành với Đề án.
Nhiều nơi vẫn quảng cáo sản phẩm sai tiêu chuẩn, gắn mác “hữu cơ”, “sinh học” nhưng
thực chất là hóa học cải tiến. Một số kỹ thuật viên đại lý còn “dọa khéo” để bán
thêm phân, hướng dẫn bà con xịt thuốc cho “chắc ăn”. Lối tư vấn ấy đánh trúng tâm lý sợ rủi ro, thói
quen canh tác cũ, và dễ dàng… lật ngược một hành vi mới vừa chớm hình thành.
Và đôi khi, có một
rủi ro thầm lặng hơn: các cấp chính quyền cơ sở thiếu quan tâm sát sao. Không
phải vì thiếu trách nhiệm, mà chưa thật sự xem đây là ưu tiên trọng tâm.
Khi lãnh đạo xã, cán bộ nông nghiệp địa phương ít xuống ruộng, ít dự họp
tổ, không nắm rõ tiến độ từng hộ tham gia mô hình, thì bà con dễ chùng lòng, dễ nghĩ rằng:
“Mình làm, mà không
ai nhìn thấy.”
Không đổ lỗi, chỉ
cần điều chỉnh hành vi…
Tâm lý học hành
vi không khuyến khích đổ lỗi. Nó giúp ta hiểu: một hành vi mới muốn bền thì cần
môi trường nâng đỡ, từ thương lái, doanh nghiệp, hợp tác xã, chính quyền, và cả…
ánh mắt của cộng đồng. Vậy nên, thay vì hô thêm khẩu hiệu, hãy tạo ra những “cú hích nhỏ”: một
phần thưởng nhỏ khi bà con ghi nhật ký ruộng đúng đủ, một sticker “Tôi chọn lúa sạch” dán
trên bao tải, một buổi chợ phiên vinh danh những hộ canh tác giảm phát thải, một
nhóm Zalo ghi nhận ảnh chụp ruộng trổ đòng đẹp đều.
Ảnh minh hoạ. |
Người nông dân có
thể không cần nghe lý thuyết về phát thải khí nhà kính. Họ chỉ cần biết: nếu mình
làm khác, đất khỏe hơn, nước trong hơn, con mình ăn cơm nhà mà
mình không thấy lo.
Một triệu hecta sẽ không đến từ áp
lực kế hoạch. Nó đến từ những buổi họp nhóm nhỏ không cần bục phát biểu, những
lần người làm trước quay lại kể chuyện thật, những câu hỏi nhẹ nhàng: “Cô Sáu ơi, vụ rồi
làm ít phân mà lúa sao vẫn đều vậy?”.
Chúng ta không cần
tất cả cùng bắt đầu. Chỉ cần một người bắt đầu, rồi vài người để ý,
rồi vài người khác thử theo. Niềm tin lan như mầm non gặp nắng.
Và một niềm tin lạc
quan…
Và khi có đủ người
thấy rằng mình không cô đơn trên hành trình làm điều đúng, khi mỗi hành vi mới được
nâng đỡ bằng sự ghi nhận, bằng cam kết, bằng niềm tin, thì triệu hecta không còn
là con số mơ hồ. Mà là triệu bước chân về phía tử tế. Triệu bàn
tay nối lại vì một nền nông nghiệp biết giữ đất, giữ người, giữ tương lai. Đất
còn, lúa sạch. Người hiểu nhau, ruộng xanh. Mỗi hành vi đúng hôm nay là mầm sự sống
cho mai sau.
Sự thịnh vượng khởi
đầu từ người trồng lúa!
LÊ MINH HOAN