Khối lượng rơm rạ để lại khi thu hoạch lúa rất lớn, là tài nguyên quý nhưng chưa được tận dụng, gây lãng phí và tăng phát thải khí nhà kính.
Trong các khâu sản xuất lúa chất lượng cao và giảm phát thải, quản lý rơm rạ có lẽ là khâu khó nhất, nhưng sự phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ cùng với các chính sách hỗ trợ dường như chưa đáp ứng được yêu cầu để khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên quý báu này. Trang web VIETRISA hoan nghênh bài viết của Tiến sĩ Phan Hiếu Hiền và mong được tiếp tục nhận các bài viết từ chuyên gia, doanh nghiệp và bạn đọc liên quan đến quản lý rơm rạ theo hướng bền vững, gia tăng giá trị và nâng cao thu nhập cho nông dân.
![]() |
Máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng của Đề án 1 triêu ha (Ảnh: VIETRISA). |
Làm thế nào sử dụng cho hết 17 triệu tấn/năm này? Tại Diễn đàn “Tăng cường chuỗi
giá trị rơm rạ, hỗ trợ Đề án 1 triêu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp”
do Bộ Nông nghiệp và Môi trường, VIETRISA và IRRI tổ chức ngày 08/4/2025 tại Cần
Thơ, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng “Cần thiết thúc đẩy gia tăng CẦU để
khai thác, sử dụng lượng rơm rạ rất rất lớn từ sản xuất lúa”.
Có lẽ “khách hàng” lớn nhất chính là ruộng lúa đã sản sinh ra rơm rạ. Trả lại rơm rạ cho ruộng đồng dưới dạng phân hữu cơ sẽ giảm phân hóa học, ví dụ giảm khoảng 40% phân N, là thực hiện 1 giảm trong quy trình kỹ thuật 1 phải 5 giảm (1P5G). Cứ băm rơm, phun chế phẩm vi sinh để rơm nhanh phân hủy thành phân hữu cơ.
![]() |
Máy cuộn rơm và trên cánh đồng của Đề án 1 triêu ha (Ảnh: VIETRISA). |
Nhưng có hai trở ngại phát sinh với giải pháp này. Một là rơm trong ruộng ngập nước chậm phân hủy, do vậy khi cày/trục vùi vào đất ngập nước sẽ sinh ra khí methane (CH4). Ngoài ra, đạm trong rơm rạ cần ruộng khô trong ít nhất 20 ngày để phân hủy. Vậy làm thế nào để có ruộng khô, đó là trở ngại thứ hai.
Giải pháp có lẽ là nên làm lúa hai vụ trong năm để giãn cách thời gian giữa hai vụ lúa hoặc làm lúa hai vụ luân canh với một vụ cây trồng cạn (đậu nành, đậu xanh, bắp, v.v.).
Nói thì dễ, nhưng thực hiện được không? Điều này liên quan đến vấn đề thiết bị. Thường nghe nói: “có công nghệ ắt sẽ có thiết bị từ các công ty cơ khí”. Thực tế không đơn giản như vậy: ĐBSCL từ lâu đã có qui trình “công nghệ” canh tác bắp, đậu v.v đạt năng suất cao, nhưng không có thiết bị tương ứng; nông dân phải tốn công lao động gấp ba lần so với trồng lúa, vì không có máy móc cho cơ giới hóa, nên diện tích trồng các cây màu rất thấp ...
“Lý thuyết” là đã có tất cả thiết bị cho cây trồng cạn, nhưng áp dụng ở Âu Mỹ, không thấy ở ĐBSCL. Cứ đem về và ứng dụng, được không? Theo thiển ý thì không được... Ví dụ máy gặt đập liên hợp đã có cả trăm năm ở Âu Mỹ, nhưng đến khoảng 2006 mới vào được ĐBSCL và gia tăng nhanh từ sau 2010, nhờ các nghiên cứu cải tiến (với cùng nguyên lý, nhưng khác bố trí chi tiết) và cả khuyến nông qua 6 hội thi do Bộ NN-PTNT tổ chức; nên đến nay đã có hơn 10.000 máy thu hoạch lúa. Nhưng với bắp, đậu, công ty nào có thể cung cấp 1.000 máy gieo hay 500 máy làm cỏ v.v. để cơ giới hóa?
![]() |
Máy thu hoạch bắp sinh khối tại trang trại DalatMilk ở Lâm Đồng (Ảnh: Phan Hiếu Hiền) |
Nghiên cứu ứng dụng phải từ các công ty chế tạo máy, với sản phẩm hàng loạt. Vừa qua, người viết bài này có dịp đi cùng 5 công ty cơ khí lớn của Đức thăm các trại bò của DalatMilk và VinaMilk. Các công ty cơ khí này đều có Phòng kỹ thuật với nhân lực nghiên cứu hùng hậu, trong đó 2 công ty với hơn 400 kỹ sư trong Phòng nghiên cứu-kỹ thuật, được các Trường Đại học đào tạo, một phần qua các hợp đồng nghiên cứu cơ bản. Một ví dụ về sự khác biệt về nghiên cứu:
Luận án của nghiên cứu
sinh về các thông số của máy đập lúa (tốc độ,
khe hở v.v) là nghiên cứu cơ bản để đào
tạo khả năng nghiên cứu cho học viên, là nghiên cứu phổ biến công khai (trừ phi
có hợp đồng bảo mật với một công ty tài trợ).
Nhưng tốt nghiệp rồi về Công ty thiết kế bộ phận
đập trên máy thu hoạch, là nghiên cứu ứng dụng, với nhiều đặc điểm mới, khác hẳn
với nghiên cứu ở Trường Đại học, sẽ là bản quyền của công ty, và đưa vào sản xuất
hàng loạt với các máy gia công hiện đại của chính công ty.
![]() |
Sản phẩm một công ty cơ khí có Phòng nghiên cứu kỹ thuật gồm 40 tiến sĩ và 500 kỹ sư. Máy gặt đập liên hợp rộng 12 m tại trụ sở công ty ở Đức (Ảnh: Phan Hiếu Hiền). |
Các công ty cơ khí ở miền Nam như Bùi Văn Ngọ, Phan Tấn, Tư Sang v.v, cũng có thể làm tương tự, dĩ nhiên với qui mô nhỏ hơn, ví dụ 5-10 kỹ sư nghiên cứu cơ giới hóa, từ đồng ruộng đến nhà máy. Cần sự hỗ trợ của nhà nước như là “cú hích start-up”, ví dụ: hỗ trợ học phí đào tạo và nghiên cứu tại các Đại học, hỗ trợ một phần đầu tư cơ sở vật chất v.v.
Được như vậy,
chúng tôi tin rằng, chỉ trong 7 năm, có thể dùng cơ giới để làm một vụ màu thay cho vụ lúa thứ ba, từ đó giải quyết lượng 17 triệu tấn
rơm rạ còn trên đồng ruộng mỗi năm ở ĐBSCL. Tương tự như máy gặt đập liên hợp, chỉ trong 7 năm (2007-2014)
đã tăng số lượng máy từ vài chục chiếc đến gần 10.000 máy, giải quyết dứt điểm
khâu thu hoạch lúa ở ĐBSCL. “Chìa khóa” là đưa rất nhiều máy vào ứng dụng, do
nghiên cứu và chế tạo từ các công ty cơ khí...
Tiến sĩ Phan Hiếu Hiền
(*) Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.