Chiến thắng ngày 30 tháng 4 năm 1975 không chỉ có ý nghĩa kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài và khốc liệt nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam, mà còn là mốc son chói lọi trong hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
NƯỚC
VIỆT NAM LÀ MỘT, DÂN TỘC VIỆT NAM LÀ MỘT
TÔ LÂM
(Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt
Nam)
Thời khắc lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập
trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một sự kiện trọng đại
– ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một
mối. Đó không chỉ là chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng
chiến chống Mỹ cứu nước đầy khó khăn gian khổ, mà còn là biểu tượng sáng ngời của
chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của ý chí độc lập, tự cường và sức mạnh đại đoàn
kết toàn dân tộc.
Khát vọng về một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập,
tự do là ngọn lửa thiêng hun đúc tinh thần dân tộc suốt hàng nghìn năm lịch sử.
Từ khi Vua Hùng dựng nước cho tới hôm nay, trải qua bao cuộc kháng chiến chống
ngoại xâm giữ gìn giang sơn, bờ cõi, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc luôn là sợi
chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, khát
vọng ấy luôn là sức mạnh tinh thần không gì sánh nổi, thôi thúc các tầng lớp
nhân dân, muôn người như một, chung sức, đồng lòng, vượt mọi gian nan, thử
thách để giành lại nền độc lập vào năm 1945, đánh đuổi thực dân vào năm 1954 và
thống nhất đất nước vào năm 1975.
Thắng lợi của dân tộc anh hùng
Chiến thắng ngày 30 tháng 4 năm 1975 không chỉ có ý nghĩa
kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài và khốc liệt nhất trong lịch sử hiện đại Việt
Nam, mà còn là mốc son chói lọi trong hành trình dựng nước và giữ nước của dân
tộc. Đó là chiến thắng của niềm tin, của ước nguyện độc lập, tự do và thống nhất
đất nước; chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng
suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam; chiến thắng của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và của tinh thần yêu nước nồng
nàn, ý chí chiến đấu, bất khuất ngàn đời của nhân dân Việt Nam, của các lực lượng
tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Chiến thắng 30/04/1975 là thành quả quyết tâm sắt đá của
dân tộc Việt Nam về một đất nước thống nhất, không thể bị chia cắt bởi bất kỳ
thế lực nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc – đã khẳng
định chân lý bất diệt: “Nước Việt Nam là một,
dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy
không bao giờ thay đổi.”
Lời của Bác không chỉ là tuyên ngôn thiêng liêng về chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ, mà còn là ngọn đuốc soi đường, là nguồn cảm hứng,
truyền sức mạnh cho mọi thế hệ người Việt Nam trong suốt những năm tháng chiến
tranh gian khổ và khốc liệt. Chiến thắng 30/04/1975 là minh chứng sống động cho
triết lý của thời đại “Không có gì quí
hơn độc lập tự do”.
Không chỉ là thắng lợi quân sự, Chiến thắng 30/04/1975
còn là sự kết tinh của trí tuệ, bản lĩnh và khát khao mãnh liệt về một nền hòa
bình bền vững, về quyền tự quyết của một dân tộc từng bị đô hộ, chia cắt và áp
bức. Như lời của đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn “chiến thắng đó không phải của riêng ai, mà của cả dân tộc Việt Nam”.
Và như nhà thơ Tố Hữu từng viết “Không nỗi
đau nào của riêng ai/ Của chung nhân loại chiến công này”.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 cũng đã để lại dấu ấn mạnh mẽ
trên trường quốc tế, cổ vũ sâu sắc phong trào giải phóng dân tộc tại nhiều khu
vực Á, Phi, Mỹ Latin; khích lệ các dân tộc đứng lên chống lại chủ nghĩa thực
dân mới và giành lại quyền tự do, độc lập. Đó là chiến thắng của công lý trước
cường quyền, lời khẳng định trước cộng đồng quốc tế rằng: một dân tộc dù nhỏ bé
nhưng nếu có chính nghĩa, đoàn kết và ý chí kiên cường, với sự ủng hộ, giúp đỡ
trong sáng của bạn bè quốc tế, của các lực lượng tiến bộ và của nhân dân yêu
chuộng hòa bình trên thế giới thì chắc chắn sẽ chiến thắng những thế lực mạnh
hơn gấp nhiều lần.
Ý chí, tâm nguyện thống nhất đất
nước
Trong suốt 30 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân và
đế quốc (1945–1975), dân tộc Việt Nam đã phải đối mặt với muôn vàn gian khổ, hy
sinh, mất mát nhưng chưa bao giờ, ý chí về một nước Việt Nam độc lập, thống nhất
bị lay chuyển.
Trong lời kêu gọi nhân ngày Quốc khánh 02/09/1955, Bác Hồ
khẳng định: “Nước Việt Nam nhất định sẽ
thống nhất, vì nước ta là một khối, không ai chia cắt được”. Trong thư gửi
đồng bào cả nước năm 1956, Bác viết “Thống
nhất nước nhà là con đường sống của Nhân dân ta”. Khi chiến tranh đang ở
giai đoạn cam go, ác liệt nhất, ngày 17/07/1966, Người tuyên bố đanh thép rằng
“Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội,
Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song Nhân dân Việt
Nam quyết không sợ! Không có gì quí hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, Nhân
dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Và đúng như
vậy, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, quân dân Việt Nam đã
vượt qua muôn vàn khó khăn, từng bước đánh bại các chiến lược chiến tranh hiện
đại, với lòng tin sắt đá vào sức mạnh của chính nghĩa và tinh thần độc lập dân
tộc.
Tuyên ngôn "Nước
Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một" của Chủ tịch Hồ Chí Minh
không chỉ là một chân lý, một định hướng chiến lược, mà còn là mệnh lệnh từ
trái tim của cả dân tộc. Trong khói lửa chiến tranh, câu nói ấy trở thành nguồn
sức mạnh to lớn, truyền cảm hứng mạnh mẽ, tạo động lực cho hàng triệu người Việt
Nam bước ra mặt trận với ý chí "quyết
tử cho Tổ quốc quyết sinh". Lời của Bác là lời hiệu triệu thiêng
liêng, là biểu tượng của lòng quyết tâm vượt qua mọi đau thương, gian khổ, để
giành bằng được độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất cho đất nước và hạnh
phúc ấm no cho Nhân dân.
Trong suốt hơn 30 năm kháng chiến và kiến quốc, hàng triệu
người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, biết bao gia đình mất
mát người thân, làng mạc, đô thị bị tàn phá, bao thế hệ thanh niên phải tạm gác
ước mơ học tập, hoài bão tương lai để lên đường bảo vệ Tổ quốc với lời thề “chưa hết giặc là ta chưa về”. Những người
mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng ra trận mà không hẹn ngày trở lại. Những em nhỏ lớn
lên trong mưa bom, bão đạn, học chữ dưới hầm, ăn ngô, khoai, sắn thay cơm. Biết
bao bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã ngã xuống trên dải đất
hình chữ S của Tổ quốc, những chiến sĩ biệt động thành chiến đấu giữa lòng địch,
dân quân du kích ở bưng biền, làng bản, những chiến sĩ giải phóng quân vượt qua
Bến Hải, vượt Trường Sơn... tất cả đều mang trong mình một niềm tin mãnh liệt:
dân tộc Việt Nam sẽ giành lại quyền làm chủ đất nước mình, Nam Bắc nhất định sẽ
sum họp một nhà.
Chiến thắng 30/04/1975 là thành quả kết tinh từ lý tưởng và
ý chí thép của một dân tộc không bao giờ bị khuất phục, từ máu xương của hàng
triệu người con đất Việt, từ tình yêu quê hương, đất nước, từ bản lĩnh, niềm
tin chiến thắng và quyết tâm không bao giờ lùi bước.
Tròn nửa thế kỷ đã đi qua kể từ ngày nước non liền một dải,
nhưng những âm hưởng của khúc khải hoàn vẫn ngân nga trong tâm hồn dân tộc Việt
Nam. Nhân dịp kỷ niệm sự kiện trọng đại này, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ
tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, Người thầy
vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa
thế giới, Người chiến sỹ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế, người đã đặt
nền móng tư tưởng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước; tri ân và tưởng nhớ các đồng chí lãnh đạo tiền
bối của Đảng, các anh hùng liệt sỹ, nhân sĩ, trí thức, đồng bào và chiến sỹ
trên khắp mọi miền Tổ quốc đã anh dũng chiến đấu, hy sinh cho lý tưởng cao đẹp
đó. Các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ công ơn và sự hy
sinh to lớn vì độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân và vì sự
trường tồn, phát triển của dân tộc.
Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với bạn bè quốc
tế – các lực lượng tiến bộ, các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các tổ chức nhân
đạo và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới – đã đồng hành, giúp đỡ
và ủng hộ Việt Nam trong suốt những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc,
cũng như trong sự nghiệp tái thiết và phát triển đất nước sau chiến tranh. Tình
cảm và sự hỗ trợ chí nghĩa, chí tình, vô tư trong sáng đó sẽ mãi mãi được nhân
dân Việt Nam trân trọng, yêu quý và khắc ghi trong trái tim mình.
Nửa thế kỷ khôi phục, hàn gắn và
phát triển
Trong hơn một thế kỷ qua, dân tộc Việt Nam đã trải qua những
trang sử bi tráng, phải gánh chịu biết bao đau thương, mất mát dưới ách đô hộ,
áp bức của thực dân, phong kiến và đặc biệt là hai cuộc chiến tranh khốc liệt
kéo dài hơn ba thập kỷ. Chiến tranh không chỉ lấy đi sinh mạng của hàng triệu
người, mà còn để lại những di chứng sâu sắc về thể chất, tinh thần, kinh tế xã
hội và môi trường, ảnh hưởng đến cả những thế hệ sinh ra khi tiếng súng đã
ngưng. Không có vùng đất nào trên quê hương Việt Nam không có đau thương; không
có gia đình nào mà không gánh chịu những mất mát, hy sinh và cho đến nay chúng
ta vẫn còn phải khắc phục hậu quả chiến tranh và bom mìn, chất độc da cam…
Nhưng thời gian, lòng nhân ái, đức vị tha đã giúp dân tộc
ta từng bước vượt qua nỗi đau, chữa lành vết thương, gác lại quá khứ, tôn trọng
sự khác biệt hướng tới tương lai. Sau 50 năm đất nước thống nhất, chúng ta đã
có đủ bản lĩnh, đủ niềm tin, sự tự hào và đủ bao dung để vượt qua đau thương
cùng nhau nhìn về phía trước – để cuộc chiến tranh đã qua không còn là hố ngăn
cách giữa những người con cùng một dòng máu Lạc Hồng.
Trên hành trình phát triển ấy, chính sách hòa hợp dân tộc
luôn được Đảng và Nhà nước xác định là lựa chọn chiến lược lâu dài, là trụ cột
trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng ta hiểu rõ những nguyên nhân lịch sử
dẫn đến chiến tranh – từ sự can thiệp, chia rẽ bên ngoài cho đến những âm mưu
phá hoại tinh thần đoàn kết, gieo rắc thù hận vì mưu đồ chính trị. Nhưng chúng
ta cũng hiểu rằng: mọi người Việt Nam, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù từng
đứng ở phía nào của lịch sử, đều cùng mang một cội nguồn, một ngôn ngữ, một
tình yêu dành cho quê hương, đất nước.
Những năm qua, trong các chuyến công tác tới hầu khắp các
châu lục, Tôi đã có nhiều dịp gặp gỡ hàng ngàn đồng bào Việt Nam đang sinh sống
ở nước ngoài – từ những trí thức trẻ lập nghiệp tại châu Âu, châu Mỹ, Châu Á,
Châu Đại Dương đến những doanh nhân thành đạt, nghệ sĩ nổi tiếng, người lao động
bình dị ở các “miền đất mới”, kể cả nhiều người thuộc “phía bên kia” trước đây.
Mỗi cuộc gặp đều để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc: dù có thể khác biệt về
quan điểm chính trị, trải nghiệm lịch sử hay điều kiện sống, họ đều mang trong
lòng niềm tự hào dân tộc, đều là “con dân
đất Việt” và nỗi nhớ da diết với hai tiếng Quê hương.
Tôi từng chứng kiến nhiều cuộc gặp gỡ đầy cảm động giữa
các cựu chiến binh Việt Nam và cựu binh Hoa Kỳ – những người từng đứng ở hai
bên chiến tuyến, từng cầm súng đối đầu, nay có thể bắt tay, trò chuyện, chia sẻ
với nhau bằng sự thấu hiểu chân thành và không còn mặc cảm. Ngày hôm nay, Việt
Nam và Hoa Kỳ – từ cựu thù – đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện, cùng hợp
tác vì hòa bình, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì an ninh và ổn định khu vực.
Vậy thì không có lý do gì để những người Việt Nam – cùng chung huyết thống,
cùng một mẹ Âu Cơ, luôn đau đáu về một đất nước thống nhất, phồn vinh – lại còn
mang mãi trong lòng nỗi hận thù, chia rẽ và ngăn cách.
Hòa hợp dân tộc không có nghĩa là quên lãng lịch sử hay
xóa nhòa sự khác biệt, mà là chấp nhận những góc nhìn khác nhau trong tinh thần
bao dung và tôn trọng, để cùng hướng tới mục tiêu lớn hơn: xây dựng một nước Việt
Nam hòa bình, thống nhất, hùng mạnh, văn
minh, thịnh vượng, để các thế hệ mai sau không bao giờ phải chứng kiến chiến
tranh, chia ly và hận thù, mất mát như cha ông từng đối mặt.
Chúng ta tin tưởng rằng, mọi người con đất Việt – dù sinh
sống ở đâu, dù quá khứ thế nào – đều có thể đồng hành, chung sức, góp phần xây
dựng một tương lai tươi sáng cho dân tộc. Đảng và Nhà nước luôn nhất quán mở rộng
vòng tay, trân trọng mọi đóng góp, lắng nghe mọi tiếng nói xây dựng, đoàn kết từ
cộng đồng người Việt ở nước ngoài – những người đang góp phần kết nối Việt Nam
với thế giới.
Chúng ta không thể viết lại lịch sử, nhưng chúng ta có thể
hoạch định lại tương lai. Quá khứ là để ghi nhớ, để tri ân và để rút ra bài học.
Tương lai là để cùng nhau xây dựng kiến tạo và phát triển. Đó là lời hứa danh dự
của thế hệ hôm nay với những người đã ngã xuống, là tâm nguyện chung của một
dân tộc từng trải qua nhiều đau thương nhưng chưa bao giờ khuất phục.
Cách đây 50 năm, dân tộc Việt Nam đã viết nên một bản anh
hùng ca chói lọi bằng ý chí sắt đá và bản lĩnh kiên cường – đó là bản hòa ca của
ý chí, quyết tâm, thống nhất và hòa bình. Nửa thế kỷ sau, chính dân tộc ấy đang
tiếp tục viết nên một bản hùng ca mới – bản hòa ca của đổi mới, hội nhập, phát
triển và ý chí vươn lên mạnh mẽ trong thế kỷ XXI. Trước đây, không một người Việt
Nam chân chính nào muốn đất nước mình bị chia cắt. Ngày nay, chắc chắn không một
người Việt Nam chân chính nào lại không mong đất nước mình ngày càng hùng cường,
thịnh vượng sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Nhìn về phía trước – kế tục và kiến
tạo, đổi mới và phát triển
Hơn ai hết, thế hệ hôm nay hiểu rõ rằng độc lập và thống
nhất không phải là cái đích cuối cùng, mà là điểm khởi đầu cho một hành trình mới:
hành trình xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, giàu mạnh, văn minh, phát triển
và trường tồn. Nếu như thế hệ cha anh đã khắc ghi chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một"
bằng những hy sinh mất mát, thì thế hệ hôm nay phải biến lý tưởng đó thành động
lực phát triển, thành đôi cánh vươn lên trong thời đại mới.
Tinh thần thống nhất đất nước – từng là niềm tin và ý chí
sắt đá để vượt qua khó khăn, thử thách, mưa bom, bão đạn – nay phải trở thành
quyết tâm chính trị, ý chí đổi mới và hành động cụ thể để bảo vệ độc lập chủ
quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh
thần cho nhân dân. Phải làm cho mỗi người Việt Nam, dù ở đâu, dù làm gì, đều tự
hào về đất nước, tin tưởng vào tương lai, và có cơ hội đóng góp vào sự phát triển
chung.
Trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, khó lường, Việt
Nam cần phải có bản lĩnh vững vàng, tỉnh
táo, không để bị cuốn vào những vòng xoáy địa – chính trị hay rơi vào thế bị động
trước các xung đột quốc tế. Mỗi khúc quanh của lịch sử thế giới đều có thể trở
thành cơ hội hoặc thách thức lớn cho các quốc gia nhỏ nếu chuẩn bị tốt hoặc
không tốt nội lực. Dân tộc Việt Nam hơn ai hết hiểu rất rõ hậu quả tàn khốc của
chiến tranh, chúng ta là dân tộc yêu chuộng hòa bình, không bao giờ muốn chiến
tranh xảy ra và sẽ làm mọi điều để chiến tranh không xảy ra. Nhưng, nếu “kẻ thù buộc chúng ta ôm cây súng” thì chúng
ta sẽ vẫn là người chiến thắng. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần xây dựng một nền
kinh tế tự lực, tự cường; một nền quốc phòng- an ninh toàn dân, toàn diện và hiện
đại; một hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, một xã hội phát triển,
đoàn kết, văn hóa và nhân văn.
Muốn như vậy, nhất thiết phải phát huy trí tuệ và sức mạnh
của toàn dân tộc, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài – bộ phận
không tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân. Trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên của
kết nối toàn cầu, mỗi người Việt Nam ở khắp năm châu đều có thể góp phần vào
công cuộc dựng xây đất nước bằng chính tri thức, sự sáng tạo, lòng yêu nước và
trách nhiệm công dân.
Kỷ nguyên mới mà chúng ta đang bước tới – với công nghệ
trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh và phát triển bền vững – đòi hỏi
phải có tư duy mới, mô hình phát triển mới, con người mới. Trước mắt, chúng ta
còn nhiều thách thức về thể chế, năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực,
an ninh môi trường, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và cả những nguy cơ an ninh phi
truyền thống. Nhưng lịch sử đã chứng minh: dân tộc Việt Nam chưa từng lùi bước
trước gian nan, khó khăn, thách thức. Vấn đề là chúng ta có đủ dũng khí để thay
đổi, đủ ý chí để vươn lên, và đủ đoàn kết để biến khó khăn thành động lực phát
triển hay không.
Thế hệ hôm nay – từ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đến công nhân, nông dân, trí thức, doanh
nhân, học sinh, sinh viên, mọi tầng lớp nhân dân đều là con Rồng cháu Tiên – cần
ý thức sâu sắc rằng: chúng ta đang thừa hưởng những giá trị di sản vĩ đại từ
cha ông, và chúng ta có trách nhiệm làm rạng danh đất nước trong thời đại mới.
Mỗi hành động hôm nay phải xứng đáng với máu xương đã đổ xuống, với những hy sinh mất mát mà cả dân tộc đã từng gánh chịu.
Chúng ta không thể để đất nước tụt hậu. Chúng ta không thể
để dân tộc đánh mất cơ hội. Chúng ta không thể để lặp lại những vòng xoáy của lịch
sử. Vì vậy, phải đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết. Chúng ta phải
hành động vì tương lai lâu dài chứ không vì thành tích ngắn hạn. Phải kiên định
giữ gìn độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định.
Đồng thời phải đổi mới mạnh mẽ trong tư duy phát triển, cải cách hành chính,
xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, kinh tế thị trường định hướng XHCN, có sự quản
lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và xây dựng Xã hội XHCN hiện đại.
Nhìn về phía trước, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào
tin tưởng vào sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam – một dân tộc đã bao lần đánh
thắng ngoại xâm và đứng dậy từ chiến tranh, khẳng định mình trước lịch sử và
trước thế giới. Với truyền thống nghìn năm dựng nước và giữ nước, với khát vọng
vươn lên không ngừng, với thế hệ trẻ tài năng, hoài bão, yêu nước, sáng tạo và
đầy bản lĩnh – Việt Nam nhất định sẽ thành công.
Thế kỷ XXI là thế kỷ của những dân tộc biết làm chủ vận mệnh của mình. Và dân tộc Việt Nam – với tất cả những bài học từ quá khứ, với tất cả sự đoàn kết hôm nay – nhất định sẽ viết tiếp những chương mới rực rỡ trong hành trình phát triển của mình. Vì một nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, phồn vinh, văn minh, thịnh vượng, có vị thế và tiếng nói quan trọng trong cộng đồng quốc tế./.